Kết nối ý tưởng nhân rộng mô hình nuôi trồng, sản xuất chế biến tảo lam, thương mại hóa nhiều sản phẩm phục vụ cho cộng đồng

Tảo lam (còn được gọi là tảo Chlorella và Spirulina), được xem như một loại “siêu thực phẩm xanh” có chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể con người, và ứng dụng trong nhiều ngành sản xuất. Đây là nhận định của các chuyên gia tại sự kiện giới thiệu về quy trình sản xuất tảo lam.
Ngày 22/10/2024, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) đã tổ chức sự kiện kết nối ý tưởng với chủ đề “Quy trình công nghệ sản xuất tảo lam”. Tham dự sự kiện có ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ. Về phía các đơn vị có nhu cầu hợp tác chuyển giao công nghệ có Ông Hà Quang Huy, Trưởng phòng R&D – Công ty TNHH Thực phẩm Dinh dưỡng Phú Lạc - Vĩnh Hảo, Ông Nguyễn Hạ Minh Quân, Giám đốc điều hành - Công ty TNHH IBAS, Ông Bùi Đức Quang, Giám đốc điều hành - Công ty TNHH TM VINAESSENCE, các nhà cung ứng có PGS.TS Trịnh Văn Dũng – Giảng viên cao cấp - Khoa kỹ thuật Hóa học – Bộ môn Công nghệ Thực phẩm –Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TP.HC, Ông Lê Châu Hải Vũ – Trưởng ban Nghiên cứu Công nghệ và Thương hiệu - Viện Công nghệ Xuất nhập khẩu Asean,  Th.S Nguyễn Thị Kim Liên – Trưởng phòng hỗ trợ công nghệ thuỷ sản - Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao cùng đại diện của các doanh nghiệp, cá nhân quan tâm đến công nghệ tham dự trực tiếp tại số 79 Trương Định, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM và trực tuyến trên nền tảng Google Meet.
 
 
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN phát biểu tại hội thảo
 
Sự kiện nhằm giới thiệu quy trình nuôi trồng tảo lam tại Việt Nam, kết nối sản xuất chế biến thành những sản phẩm ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Hiện nay,  nhiều nước trên thế giới các nước như Đài Loan, Pháp, Mỹ… đang đầu tư phát triển các quy trình nuôi tảo lam, đây được coi là giải pháp cho tình trạng thiếu lương thực trên thế giới. Tảo lam có tính ứng dụng rất đa dạng trong hầu hết các ngành sản xuất như chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, dược mỹ phẩm... 
 
Ngoài nguồn tảo khô nhập khẩu, hiện nhiều doanh nghiệp trong nước tại Việt Nam đã và đang mạnh dạn đầu tư công nghệ, nghiên cứu để sản xuất tảo tươi với nguồn dinh dưỡng cao hơn, chất lượng tốt hơn.Theo các chuyên gia, tảo được nuôi trồng trong các phòng thí nghiệm hoặc môi trường nhân tạo với hệ thống khép kín, bổ sung thêm nhiều chất khoáng sẽ sinh trưởng phát triển mạnh, đem lại hàm lượng dinh dưỡng rất cao và không lẫn tạp chất khác so với tảo phát triển phát triển tự nhiên ngoài môi trường.
 
 
PGS. TS Trịnh Văn Dũng, đại diện nhóm nghiên cứu Trường Đại học Bách Khoa TPHCM, chia sẻ kinh nghiệm quá trình nuôi tảo lam
 
PGS. TS Trịnh Văn Dũng, đại diện nhóm nghiên cứu Trường Đại học Bách Khoa TPHCM cho biết, tảo lam có thể ứng dụng trong nông nghiệp, thực phẩm, dược mỹ phẩm và xử lý môi trường. Tảo lam có mức độ sinh sản rất nhanh, chỉ trong 6 giờ số tế bào đã tăng lên gấp đôi, có thể tiêu thụ các bon gấp 25-27 lần so với trồng rừng. Hiện nay, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển quy trình nuôi tảo lam như môi trường thời tiết nóng ẩm nắng nhiều, chi phí đầu tư ban đầu thấp, có thể tận dụng nguồn CO2 sẵn có. Đối với loại loại tảo giống, tảo dùng làm thức ăn chăn nuôi, làm phân bón cây trồng có thể sử dụng chất dinh dưỡng từ nước thải thủy hải sản, trong sản xuất nông nghiệp để phát triển, nhận rộng quy trình nuôi trồng.
 
 
Ông Lê Châu Hải Vũ, Trưởng ban Nghiên cứu Công nghệ và Thương hiệu Viện công nghệ xuất nhập khẩu Asean chia sẻ tại sự kiện
 
Còn theo ông Lê Châu Hải Vũ, Trưởng ban Nghiên cứu Công nghệ và Thương hiệu Viện công nghệ xuất nhập khẩu Asean, tảo xoắn Spirulina (một dạng của tảo lam) là một loài vi tảo màu xanh có kích thước rất nhỏ 0.1-0.3mm, đã xuất hiện trên trái đất hơn 3 tỷ năm về trước, trong tảo xoắn Spirulina chứa gần 100 chất có lợi, hàm lượng protein, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa cao. Sau khi được chế biến thành thực phẩm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cho con người như: Hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện tiêu hóa,  giảm stress... “Tảo sau khi thu hoạch được chúng tôi loại bỏ tạp chất, cấp đông ở nhiệt độ -40 độ C, rồi đưa vào máy ly tâm loại bỏ nước, sấy thăng hoa để trở thành thành phẩm bột tảo khô. Sản phẩm của chúng tôi đã được thương mại hóa ra thị trường và nhận nhiều phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng”, ông Lê Châu Hải Vũ chia sẻ thêm.
 
Nhiều doanh nghiệp, nhà nghiên cứu cho biết, tảo lam là một sinh vật tự dưỡng nhờ tổng hợp ánh sáng mặt trời và khí CO2, dễ sinh trưởng (ở môi trường nước ngọt, nước mặn, nước lợ), thuận lợi để phát triển với điều kiện tại Việt Nam. Về mặt thực phẩm, tảo lam chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người và không độc tố, có thành phần protein đến 60-70% (gấp 3-4 lần so với các sản phẩm từ động vật), đồng thời rất dễ dàng chuyển hóa và không gây dị ứng. Bên cạnh đó, tảo lam cũng chứa rất nhiều hoạt tính sinh học, axit - amin mà cơ thể con người không thể tự tổng hợp, khi được chế biến thành các sản phẩm sẽ rất tốt cho sức khỏe như: chống lão hóa, chống bệnh tim mạch, ngăn ngừa ung thư, chăm sóc da…
 
 
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), đã công nhận tảo lam (Chlorella, Spirulina) là thực phẩm siêu dinh dưỡng, bảo vệ sức khoẻ tốt nhất của loài người trong thế kỉ 21. Trong tảo có chứa nhiều loại axit-amin, trong đó có 8/9 axit-amin thiết yếu mà con người không tự tổng hợp được. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tảo lam có tác dụng lớn trong việc làm giảm khả năng ung thư, nâng cao tính miễn dịch, ức chế virus, chống lão hoá và làm giảm nếp nhăn, làm giảm cholesterrol máu, hạn chế các tai biến về tim mạch... Tuy nhiên, tại Việt Nam các sản phẩm từ tảo lam vẫn còn khá mới, chưa được nhiều người dân biết đến do nguồn cung khá hạn hẹp, giá thành vẫn đang ở mức tương đối cao.
 
Thông qua các phần trình bày và trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin về nhu cầu hợp tác, chuyển giao công nghệ tại sự kiện, chương trình đã ghi nhận một số biên bản ghi nhớ tư vấn, tìm hiểu hợp tác công nghệ giữa đơn vị cung ứng và các doanh nghiệp, để phục vụ cho quá trình sản xuất nông sản sạch, chất lượng cao và an toàn.
 
 
Tại sự kiện, ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN cho biết: “Sự kiện Quy trình công nghệ sản xuất tảo lam nằm trong chuỗi hoạt động cà phê công nghệ do Sở KH&CN TPHCM tổ chức, Trung tâm là đơn vị thực hiện nhằm đẩy mạnh kết nổi cung cầu công nghệ, thúc đẩy, nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho TPHCM và khu vực phía Nam. Từ lâu, tảo lam được coi là nguồn thực phẩm có nhiều hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe con người, tuy nhiên vẫn chưa được nhiều người dân biết đến. Hy vọng thông qua sự kiện các đơn vị sẽ kết nối, nhân rộng mô hình sản xuất kinh doanh để thương mại hóa nhiều sản phẩm phục vụ cho cộng đồng”.
Anh Tuấn
Sử dụng công nghệ sàn giao dịch Techport
Scroll