Kết nối hợp tác Công nghệ xử lý môi trường trong ngành thực phẩm

Ngày 23/10/2024, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TPHCM (CESTI) đã tổ chức sự kiện kết nối ý tưởng “Công nghệ xử lý môi trường trong nhà máy thực phẩm hướng tới kinh tế tuần hoàn thông qua báo cáo ESG”.
 
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Võ Hưng Sơn – Phó Giám đốc CESTI cho biết, ngành công nghiệp thực phẩm, với quy mô sản xuất lớn và lượng chất thải đáng kể, đang đối mặt với những thách thức to lớn trong việc bảo vệ môi trường. Việc áp dụng các công nghệ xử lý môi trường tiên tiến và hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, không chỉ là trách nhiệm của các doanh nghiệp, mà còn là xu hướng tất yếu để đảm bảo sự phát triển bền vững. Chìa khoá để ngành công nghiệp thực phẩm nâng cao vị thế, thông qua báo cáo ESG (Environmental, Social, Governance) là thước đo quan trọng, để đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong việc quản lý các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị. Việc xây dựng và công bố báo cáo ESG, không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín mà còn tạo ra những cơ hội hợp tác mới và thu hút đầu tư.
 
Nhằm đáp ứng yêu cầu của một số doanh nghiệp quan tâm, Trung tâm tổ chức sự kiện Kết nối ý tưởng, với mong muốn là nơi kết nối cung-cầu cho các bên, hỗ trợ quảng bá công nghệ thiết bị cho bên cung, nhân rộng mô hình giúp các bên cầu sớm tìm được giải pháp cho doanh nghiệp.
 
 
Tại sự kiện, ông Nguyễn Duy Duẩn, Trưởng phòng quản lý chất lượng – Công ty TNHH Bibica Miền Tây cho biết, Công ty Bibica rất xem trong việc phát triển bền vững, đặt làm trọng tâm trong xu hướng phát triển của công ty. Thông qua báo cáo ESG, đây là động lực của các doanh nghiệp để đổi mới, triển khai các công nghệ mới nhằm giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Theo ông Duẩn, trong quá trình sản xuất, Công ty sản sinh ra nước thải, với mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn nên mong muốn sử dụng nguồn nước thải đó quay trở lại sử dụng cho các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, hoặc dùng cho các mục đích khác như tưới cây, dùng cho khu vực vệ sinh,…
 
Bibica hiện có 3 nhà máy tại Biên Hòa (Đồng Nai), Hà Nội và Miền Tây (Long An). Nhà máy ở Long An với diện tích 100 ngàn m2, chuyên sản xuất các sản phẩm về bánh tươi và khô, công suất 20 ngàn tấn/năm. Công ty mong muốn được tìm hiểu và tư vấn về những công nghệ, giải pháp xử lý nước thải cho mục đích nói trên.
 
Ông Trần Nguyên Vũ, Giám đốc Công Ty TNHH 3H – Biztech, một công ty chuyên cung cấp máy móc cho ngành thực phẩm cũng mong muốn tìm hiểu các công nghệ, để có thể cung cấp thêm những giải pháp về xử lý nước thải cho khách hàng của mình.
 
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Huy, Công ty Cổ phần công nghệ môi trường ENVICO cho biết, đặc thù của ngành thực phẩm là đa dạng về nguyên liệu và sản phẩm nên tính chất nước thải chế biến thực phẩm cũng đa dạng. Đặc trưng của nƣớc thải chế biến thực phẩm là lưu lượng nước thải lớn, pH thấp, mùi hôi, chua khó chịu, hàm lượng TSS, BOD, COD cao, chứa hàm lượng N, P, dầu mỡ, chất béo cao. Một số loại nước thải còn có độ mặn cao khá cao. Vì vậy, nước thải làm ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến sinh vật sống trong nước và sức khỏe con người. Nếu doanh nghiệp tái sử dụng được nguồn nước thải này, sẽ đem lại nhiều lợi ích như giảm chi phí hoạt động, đạt các tiêu chuẩn “xanh” để thuận lợi giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa,…
 
Theo ông Huy, hiện nay có nhiều phương pháp xử lý nước thải như bằng cơ học, sinh học, hóa lý,… Công ty Cổ phần công nghệ môi trường ENVICO đã thiết kế và chế tạo Module xử lý và tái sử dụng nước thải bằng công nghệ xử lý nước thải thiếu khí - hiếu khí cải tiến AOA (Anoxic - Oxic - Advantage). Module này sử dụng công nghệ xử lý sinh học thiếu khí - hiếu khí kết hợp với giá thể vi sinh MBBR và màng lọc MBR giúp loại bỏ triệt để các chất ô nhiễm có trong nước nước sau xử lý có thể tái sử dụng.
 
Công nghệ này có ưu điểm là với công suất nhỏ không cần xây dựng bể xử lý rườm rà. Thiết kế linh động dạng Module, dễ dàng di chuyển, vận hành đơn giản, chi phí thấp, dễ dàng nâng cấp từ nước thải đầu ra cột B lên cột A. Công nghệ AOA có thể áp dụng cho nước thải sinh hoạt, bệnh viện, thực phẩm, cơ sở chăn nuôi,…
 
Ông Lê Đình Tình, Giám đốc Công ty TNHH Đại Đồng Tiến Phát thì giới thiệu về các loại máy ép bùn do Công ty sản xuất. Cụ thể như máy ép bùn băng tải là một thiết bị tách nước ra khỏi bùn bằng áp suất cơ học. Bùn đạt độ khô cao với nồng độ chất rắn trên 25% và thể tích bùn giảm hơn 10 lần. Máy được sản xuất bằng vật liệu inox 304 nên có thể làm việc trong môi trường có độ ăn mòn hóa học cũng như cơ học cao. Máy có thiết kế tối ưu nên tiết kiệm diện tích lắp đặt, nhưng vẫn đảm bảo công suất xử lý thiết kế.
 
 
Ứng dụng chitosan từ phụ phẩm tôm trong xử lý nước thải, là công nghệ được Công ty Cổ phần Việt Nam Food triển khai thực hiện. Bà Trần Vân Ty, Giám đốc Phát triển Ứng dụng, Công ty CP Vietnam Food cho biết, mỗi năm ngành tôm thải ra 200 – 300 ngàn tấn phụ phẩm tôm, và đang được xem như là rác thải, gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, phụ phẩm tôm chứa nhiều chất dinh dưỡng có thể ứng dụng cho nhiều ngành có giá trị. VNF đã tận dụng phế phẩm từ tôm để nghiên cứu, sản xuất ra các sản phẩm có giá trị như làm nguyên liệu cho thực phẩm, chitosan, astaxanthin,…. Theo bà Ty, chitosan là một loại polymer đa chức năng và thân thiện với sinh học, có tiềm năng lớn như một vật liệu đột phá cho ngành xử lý nước, không độc hại, kháng khuẩn,… VNF đã triển khai các dự án sử dụng chitosan từ phụ phẩm tôm để xử lý nước sinh học, nước thải ngành thủy sản, chăn nuôi,… tại Việt Nam, Malaysia, Ivory Coast.
 
 
TS. Trần Thanh  Tâm, Phó trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Đối ngoại - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM cho biết thêm một số công nghệ xử lý nước thải cho ngành thực phảm theo hướng kinh tế tuần hoàn như sử dụng vi tảo, công nghệ sinh học ghép nối dị dưỡng – tự dưỡng, công nghệ thu hồi CH4,….
 
 
Chia sẻ về chủ đề “Tư vấn thực hiện báo cáo phát triển bền vững ESG”, Th.S Quách Thạch Thi – CEO - Công ty TNHH Tiêu chuẩn quốc tế ISC Việt Nam, báo cáo về ESG trên thế giới đã được thực hiện từ lâu, tuy nhiên đây là vấn đề còn mới đối với Việt Nam. Theo ông Thi, mới có 44% các doanh nghiệp trong nước lập kế hoạch và đưa cam kết ESG. Trong khi ESG hiện đang là xu hướng toàn cầu mang tính chiến lược và cấp thiết cho hầu hết các doanh nghiệp.
 

Thông qua các phần trình bày và trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin về nhu cầu hợp tác, chuyển giao công nghệ tại sự kiện hợp tác công nghệ, chương trình đã ghi nhận một số biên bản ghi nhớ tư vấn, tìm hiểu hợp tác công nghệ giữa đơn vị cung ứng và các doanh nghiệp có nhu cầu.
Ngọc Anh

TIN KHÁC

Sử dụng công nghệ sàn giao dịch Techport
Scroll