Thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo khu vực phía Nam

Ngày 22/8/2024, tại Hội trường Saigon Innovation Hub (273 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM), Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo khu vực phía Nam”. Hội thảo nhằm thúc đẩy, tăng cường hiệu quả triển khai các hoạt động kết nối chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo ở khu vực phía Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của vùng, nâng cao đóng góp của khoa học và công nghệ vào kinh tế - xã hội.

Hội thảo nhận được nhiều quan tâm của các đơn vị, Sở ngành trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo

Tham dự và chủ trì Hội thảo có ông Phạm Thế Dũng - Phó Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo; ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ phụ trách khu vực phía Nam, cùng gần 100 đại biểu là đại diện Lãnh đạo Sở, Lãnh đạo Phòng chuyên môn có chức năng quản lý nhà nước về công nghệ và đổi mới sáng tạo, Lãnh đạo Trung tâm có chức năng ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực phía Nam; Đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM và khu vực phía Nam…


Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ phụ trách khu vực phía Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ phụ trách khu vực phía Nam nhấn mạnh, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang xây dựng nhiều chương trình nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt trong số đó, để bắt kịp nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp Bộ cũng có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài vào Việt Nam.

“Khu vực phía Nam là địa bàn có vị trí quan trọng, song hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ chưa đáp ứng như kỳ vọng. Việc nghiên cứu tạo ra công nghệ mới, tri thức mới là cần thiết để nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần công nghệ ứng dụng ngay đáp ứng thực tiễn sản xuất, vì thế cần có các giải pháp tức thời. Một trong số đó là chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang có các chương trình hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, giúp ứng dụng nhanh trong hoạt động của doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh. Các chương trình này, rất phù hợp với mục tiêu ứng dụng công nghệ cấp thiết của doanh nghiệp. Nếu các đơn vị cần, các Văn phòng đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ luôn sẵn sàng tương tác, lắng nghe nhu cầu của doanh nghiệp để tìm kiếm công nghệ phù hợp”, ông Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ.


Ông Nguyễn Khánh Tùng - Phó Trưởng phòng Phòng Phát triển công nghệ, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo, chia sẻ một số chính sách hỗ trợ hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Khánh Tùng - Phó Trưởng phòng Phòng Phát triển công nghệ, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo cho biết, việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam quy định tại Quyết định 1851, sau này được sửa đổi bằng Quyết định 138 do Thủ tướng phê duyệt vào đầu năm 2022. Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ ngành liên quan được giao xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ nước ngoài vào Việt Nam; hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ; nâng cao năng lực, nhân lực của doanh nghiệp. Đề án cũng xác định một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên chuyển giao như: nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, công nghiệp điện tử...

“Hiện nay, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã xây dựng được 14 bản đồ công nghệ giúp các doanh nghiệp định hướng phát triển sản phẩm phù hợp. Các bản đồ công nghệ về chọn tạo giống và sản xuất lúa gạo, công nghệ gene, công nghệ tế bào gốc, công nghệ sản xuất vaccine cho người, công nghệ sản xuất vật liệu và linh kiện điện tử, bán dẫn, công nghệ sản xuất nhựa kỹ thuật và công nghệ in 3D... giúp doanh nghiệp làm căn cứ để phát triển công nghệ phù hợp”, ông Nguyễn Khánh Tùng thông tin.
 

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được chia sẻ thêm về các nội dung, như: Một số kết quả nổi bật hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ TP.HCM (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM); Một số kết quả nổi bật trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới, phát triển công nghệ của Trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh Tây Ninh (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tây Ninh); Giới thiệu về mô hình thành công trong hoạt động phát triển công nghệ của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Dịch vụ Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang). Ngoài ra, một số công nghệ và giải pháp công nghệ ngoài nước cũng được giới thiệu nhằm đáp ứng nhu cầu công nghệ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khu vực phía Nam như: Công nghệ tiệt trùng cho thực phẩm ăn liền; Công nghệ Proton cấp đông nhanh, giữ nguyên độ tươi của thực phẩm; Công nghệ nghiền bột thông minh… Đây là diễn đàn và cơ hội là cơ hội để các Sở Khoa học và Công nghệ, chuyên gia và doanh nghiệp cùng chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và trao đổi kinh nghiệm trong triển khai các chính sách, tạo dựng các mô hình hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, kết nối, đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực, hợp tác nghiên cứu, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo.


Ông Phạm Thế Dũng - Phó Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Phạm Thế Dũng - Phó Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo đánh giá: mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua, tuy nhiên hiện vẫn còn khoảng trống giữa chính sách và thực thi trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo tại các địa phương, doanh nghiệp.

Để hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo tại khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung được sôi nổi, thiết thực và hiệu quả, thời gian tới, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ chủ động phối hợp với các Sở Khoa học và Công nghệ triển khai một số nhiệm vụ cụ thể như: (1) Hỗ trợ các địa phương trong việc tăng cường kết nối, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo với các quốc gia, vùng lãnh thổ thông qua các tổ chức có công nghệ trong nước và mạng lưới đại diện Khoa học và Công nghệ Việt Nam ở nước ngoài để đáp ứng nhu cầu chuyển giao công nghệ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; (2) Phối hợp, hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất, xác định nhu cầu công nghệ trên một số lĩnh vực trọng điểm của các địa phương, từ đó có giải pháp hỗ trợ hoàn thiện công nghệ; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ cho các doanh nghiệp; đồng thời hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng ứng dụng và chuyển giao công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ để trở thành đầu mối hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương; (3) Chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo phối hợp với các Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của các tỉnh/thành phố khu vực phía Nam; (4) Hướng dẫn, hỗ trợ các tỉnh/thành phố trong việc thu thập, đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII) nhằm cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho lãnh đạo các cấp trong việc ra quyết định, xây dựng và thực thi chính sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong vùng nói riêng và cả nước nói chung.
Nhật Linh (CESTI)
Sử dụng công nghệ sàn giao dịch Techport
Scroll