Chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình thay đổi mô hình sản xuất lấy công nghệ làm nền tảng, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tận dụng tối đa các nguyên liệu, phế phụ phẩm, tái chế chúng thành các sản phẩm, tạo thành cơ chế tuần hoàn trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Ngày 29/10/2024 Trung tâm Thông tin và thống kê khoa học và công nghệ TPHCM (CESTI) phối hợp cùng Công ty Cổ phần ASOFT tổ chức sự kiện “Giải pháp quản lý trang trại thông minh ASOFT - ERP F2M từ nông trại đến bàn ăn”, qua đó nhằm giới thiệu những giải pháp quản lý trang trại thông minh phục vụ cho ngành nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, tại Việt Nam đa phần người nông dân vẫn sản xuất nông nghiệp theo mô hình truyền thống với phương thức sản xuất thủ công, thô sơ, sử dụng những giống cây trồng từ lâu đời, vận hành trang trại theo phương thức truyền thống, sử dụng nhiều sức người. Một số địa phương đã bắt đầu tìm hiểu, ứng dụng phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ, sử dụng những giống cây trồng mới đem lại sản lượng cao hơn, quản lý vận hành trang trại hoàn toàn tự động. Ngoài ra, nhờ ứng dụng công nghệ nên kênh phân phối sản phẩm đa dạng hơn, giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm nhanh chóng, tăng chuỗi cung ứng, đem lại lợi nhuận tối đa.
ông Mai Trúc Trí, Giám đốc kinh dooanh ASOFT chia sẻ về phần mềm quản lý trang trại thông minh ASOFT - ERP F2M
Ông Mai Trúc Trí, Giám đốc kinh doanh ASOFT, trên thế giới đã ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp và ưu tiên những thực phẩm được sản xuất từ trang trại thông minh, đặc biệt là tại nước láng giềng như Trung Quốc. Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số vào toàn bộ hoạt động, thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp từ truyền thống sang hiện đại thông minh. Đây cũng là giải pháp then chốt cho phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam một cách bền vững, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
“Thấu hiểu những khó khăn còn tồn tại, ASOFT- ERP F2M đã phát triển hệ thống duy nhất vận hành trên hệ thống Web và App thiết bị di động, hệ thống này có thể quản lý sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn với những quy trình cụ thể, vận hành toàn bộ quy trình sản xuất trên một hệ thống duy nhất. Chúng tôi đã xây dựng một hệ thống với đầy đủ các tính năng như: Tự động hóa quy trình quản lý sâu bệnh, quản lý danh sách cây trồng, lượng phân bón, dự báo sản lượng nông sản, phân tích mẫu đất, tự động tạo mã QR dễ dàng truy suất nguồn gốc sản phẩm, tự động đưa ra báo cáo về tình hình sản xuất, phát triển kênh phân phối sản phẩm…”, ông Mai Trúc Trí chia sẻ thêm.
Đại diện Công ty Cổ phần ASOFT giới thiệu, giải đáp về sản phẩm tại sự kiện
Còn ông Lê Văn Toại, Cố vấn doanh nghiệp công ty ASOFT đã chỉ ra 5 điểm hạn chế, thách thức còn tồn tại trong ngành nông nghiệp tại Việt Nam như: Lãng phí về tài nguyên (tài nguyên đất, vật tư, công cụ dụng cụ thiết bị), khó khăn trong việc quản lý nhân công (đa phần nhân công thuê theo thời vụ nên không có lương cụ thể), quản lý chất lượng truy suất nguồn gốc (mỗi loại cây trồng có thời điểm sinh trưởng, thu hoạch khác nhau nên rất khó quản lý), khó khăn trong khâu quản lý vật tư (quản lý máy móc thiết bị, phân bón, các loại thuốc sử dụng còn hạn chế trong quá trình sản xuất), khả năng dự báo còn hạn chế do không có phần mềm công cụ để quản lý dự báo. Tuy nhiên, những khó khăn thách thức này có thể hoàn toàn giải quyết hoàn toàn nhờ ứng dụng, áp dụng những công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất.
“Hiện nay, Giải pháp quản lý trang trại thông minh ASOFT - ERP F2M đã xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh, có thể thương mại hóa ra thị trường. Sau khi khảo sát tình hình thực tế, chúng tôi sẽ tư vấn chuyên sâu về vận hành; các chức năng, công cụ quản lý sẽ được điều chỉnh tùy theo như cầu sử dụng của từng trang trại, từng đơn vị. Ngoài ra, chúng tôi sẵn sàng giới thiệu các thiết bị dự báo thông minh phục vụ cho ngành nông nghiệp, đào tạo chi tiết cách thức hoạt động và chạy thử vận hành hệ thống trước khi nghiệm thu, bảo hành sản phẩm”, ông Lê Văn Toại cho biết.
Sự kiện thu hút nhiều doanh nghiệp, chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao
Nông nghiệp là một trong những ngành có đóng góp quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế tại Việt Nam, trong đó chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong ngành nông nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm giúp người nông dân tiết kiệm chi phí và đem lại nguồn thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ số giúp người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi được các thông số về chất lượng nông sản và yên tâm sử dụng.
Anh Tuấn