Long An tổ chức hội thảo trình diễn kết nối cung cầu công nghệ lần 2 năm 2024

Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ Long An đã phối hợp cùng trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo Trình diễn kết nối cung cầu công nghệ lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề “Công nghệ và thiết bị chế biến các sản phẩm sau thu hoạch nông sản, thực phẩm”

Sáng ngày 25/6/2024, Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ (Trung tâm) đã phối hợp cùng trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo Trình diễn kết nối cung cầu công nghệ lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề “Công nghệ và thiết bị chế biến các sản phẩm sau thu hoạch nông sản, thực phẩm”. Đây là một trong những nhiệm vụ thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực sự nghiệp khoa học và công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ giao Trung tâm thực hiện trong năm 2024. Hội thảo được tổ chức với mong muốn xây dựng mạng lưới đối tác góp phần thúc đẩy hoạt động kết nối cung cầu với các Viện, Trung tâm nghiên cứu, Trường đại học với các doanh nghiệp để tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc phát triển sản xuất để thúc đẩy nhanh việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

 

Bà Hồ Thị Diệp Thúy phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của bà Hồ Thị Diệp Thúy – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, ông Trương Như Ý – Trưởng phòng Quản lý công nghệ và bà Lê Thị Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Trung tâm. Hội thảo cũng đã thu hút hơn 40 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, các thầy cô, học sinh trên địa bàn thành phố Tân An và các đơn vị quản lý như Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và quản lý chất lượng nông sản, Chi cục Phát triển nông thôn và thủy lợi, phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thạnh Hóa, … Phát biểu tại Hội thảo, bà Hồ Thị Diệp Thúy cho biết, việc thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; do đó phát triển công nghiệp chế biến được xem là khâu đột phá trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Long An, đây được xem như là con đường tối ưu nhất để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Bà cũng giao nhiệm vụ cho Trung tâm và nhờ sự hỗ trợ của các thầy cô trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh kết nối với các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu hỗ trợ, tư vấn về quy trình, thiết bị sản xuất trong phạm vi chuyên môn của thầy cô.

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức Hội thảo

Tham dự Hội thảo, đại biểu được nghe các giảng viên đến từ trường Đại học Công Thương giới thiệu các quy trình, công nghệ và thiết bị chế biến, bảo quản sau thu hoạch nông sản, thực phẩm, dược phẩm mà trường đã và đang nghiên cứu, phù hợp và có khả năng ứng dụng vào thực tế sản xuất của tỉnh Long An. Bên cạnh đó, đại biểu còn được giảng viên Đặng Thị Hải Yến – trưởng bộ môn Công nghệ sau thu hoạch của trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong quá trình đưa những nghiên cứu từ giảng đường ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh và hành trình xây dựng thương hiệu nước uống sức khỏe MsYen do cô sáng lập. Các đại biểu đã sôi nổi tham gia thảo luận, chia sẻ và đề xuất nhiều giải pháp, cách thức triển khai có hiệu quả hơn các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong thời gian tới. Thông qua Hội thảo, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của trường cũng kết nối được với các trường Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Tân An trong việc hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh, tư vấn hướng nghiệp và hướng dẫn học sinh cách viết dự án tham gia cuộc thi đổi mới sáng tạo hiệu quả./.

Ngọc Hiếu – Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin KH&CN
Tài Liệu Tham Khảo: 
 
 
 
Ngọc Hiếu
Sử dụng công nghệ sàn giao dịch Techport
Scroll